Mình vẫn nghĩ rằng, những người thích trồng cây hẳn cũng thích một lối sống thân thiện với môi trường. Bản thân việc trồng cây đã thể hiện một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cái trong lành của cuộc sống, yêu những sự việc - tưởng chừng rất nhỏ - nhưng lại giúp khơi nguồn cảm xúc. Mượn hai chữ "sống xanh" của Ngô Thị Giáng Uyên để nói về những công việc nho nhỏ xoay quanh chuyện làm vườn nhưng lại đem đến những tác dụng tích cực: tiết kiệm tiền bạc, tạo niềm vui cho bản thân khi đóng vai "nhà sáng chế" và quan trọng hơn cả là góp phần giúp cho môi trường được xanh sạch hơn.
Tận dụng những thứ vất đi
Khi vất rác, chúng ta chỉ đơn giản nghĩ rằng mình đang vất đi những đồ thừa, vô giá trị, giúp cho nhà được sạch gọn hơn. Tuy nhiên, chỉ cần để ý một chút, sẽ thấy rằng không phải rác nào cũng đáng bỏ đi cả. Vợ chồng mình đã tận dụng được kha khá thứ để chế vật dụng làm vườn mà lẽ ra đã nằm trong thùng rác:
- Những que kem sau khi ăn xong được rửa sạch cắm vào một cái lọ, khi gieo hạt giống nó sẽ trở thành cái nhãn để giúp phân biệt hạt nào với hạt nào.
- Những hũ thủy tinh nhỏ là một cái "lồng kính" lý tưởng để ươm cây. Khi gieo hạt trong chậu, những chiếc hũ này có thể bảo vệ hạt và cây con hiệu quả. Trước hết, dùng miệng hũ nhấn xuống đất để tạo khuôn gieo hạt, sau khi gieo thì dùng chính những hũ này đậy lại. Công dụng tuyệt vời: vừa có thể dùng vòi tưới đều xuống cho nước thấm vào đất và thẩm thấu ngược nuôi mầm, vừa bảo vệ mầm khỏi bị côn trùng cắn, vừa giữ được nhiệt độ ổn định cho mầm, lại có hơi nước đọng trên thành thủy tinh nhỏ xuống giúp mầm không khô hạn... Đây là cận cảnh cây nho con của mình trong hũ thủy tinh, xem có đáng yêu không nào:
- Những hộp bánh bằng thiếc, thùng sơn rỗng, hộp xốp... đều có thể trở thành chậu hoặc bồn trồng cây và nếu biết trang trí chút đỉnh thì chúng không hề xấu chút nào. Đây là chậu cà chua treo ngược mà chồng mình tự chế từ hộp bánh, nom cũng khá là tươm tất:
Những chiếc thùng xốp sau khi được trang trí bằng decal và những bông tuyết thì nom khu vườn cũng sinh động hẳn lên:
Còn nhiều thứ linh tinh khác, chỉ cần để ý và suy nghĩ một chút, chắc chắn sẽ có không ít vật dụng làm vườn thú vị, đỡ tốn kém, giảm lượng rác thải ra môi trường và khi nhìn những đồ homemade lòng cũng vui vui. Chẳng hạn, xã nhà mình cũng từng chế hệ thống tưới nhỏ giọt cho 2 cái bồn cây trên ban công bằng vỏ bình nước khoáng La Vie 5 lít và một ít van cùng ống dẫn nhỏ, do đó dù vợ chồng đi làm cả ngày hay thỉnh thoảng đi chơi xa vẫn không sợ cây thiếu nước.
Tiết kiệm nước tưới cây
Đã trồng cây thì phải tưới, thậm chí có những cây háo nước đòi tưới ngày tới mấy lần. Có vài biện pháp tiết kiệm nước đơn giản mà lại tốt cho cây như thế này:
- Tưới vào lúc sáng sớm, khi đó nắng chưa lên, nước kịp thẩm thấu xuống đất và chưa bay hơi nhiều. Nếu tưới muộn, khi mặt trời đã lên cao thì nước bốc hơi nhanh khiến phải tưới nhiều lần nếu không cây sẽ bị khô hạn.
- Trộn đá Perlite - một loại dung nham núi lửa được đặc chế để chăm bón cây - vào đất trồng, có tác dụng giữ ẩm cho đất, hạn chế thất thoát phân và nước, điều hòa nhiệt độ cho cây trong thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh và tối ưu hóa sự phát triển của rễ.
- Tận dụng nước mưa và nước vo gạo: Đây là những loại nước rất tốt cho cây trồng. Nước vo gạo giàu vitamin B giúp cây nhanh lớn, chăm ra hoa kết trái. Nước mưa trong lành tốt hơn nước máy chứa fluoride chán vạn lần. Thậm chí có những loại cây phải được tắm nước mưa mới ra hoa đều. Trong nhà nếu có một cái lu xinh đẹp hứng nước mưa cũng vui, vừa có vẻ chân quê vừa để tắm cho cây; hoặc dùng cái chậu nào nom kiểu cách chút cũng được. Nếu ở nhà phố, bạn có thể làm bể chứa nước mưa trên sân thượng và hệ thống dẫn nước xuống tự động tưới cây.
Tự làm phân sạch
Chẳng cần công thức với tỉ lệ gì cao siêu, chỉ là tận dụng rác hữu cơ là đã có thứ đất trộn phân sạch rất tốt cho cây. Cách làm là dùng một thùng xốp hay thùng nhựa có nắp, đổ một ít đất sạch, sau đó cho các loại rác hữu cơ như lá khô, cành hoa cắt tỉa, phần rau bỏ đi, phần thực phẩm bỏ đi sau khi xử lý như đầu cá, ruột cá... Tiếp đến lại phủ một lớp đất rồi đậy nắp, và lần sau cứ như thế cho đến khi đầy thùng. Theo thời gian (khoảng 1-2 tháng), rác sẽ tự phân hủy thành thứ phân sạch, không hóa chất, không gây mùi hôi khó chịu - đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt cho cây trồng, đảm bảo rau quả chúng ta ăn không bị nhiễm hóa chất độc hại, mà lại rất thân thiện với môi trường.
Vui một chút, trong truyện Hồng Lâu Mộng, hình ảnh Đại Ngọc chôn hoa có lẽ đã trở thành kinh điển và luôn khắc sâu trong lòng độc giả bởi vẻ đẹp thi vị và đa sầu đa cảm của nàng. Ở một khía cạnh khác, mình nhiệt liệt hưởng ứng ông Tào Tuyết Cần đã xây dựng một Đại Ngọc biết bảo vệ môi trường như vậy. Khi Bảo Ngọc hỏi sao không thả hoa trôi sông, Đại Ngọc đã bảo rằng như vậy không được sạch, nên nàng quét hoa cho vào túi và đem chôn, lâu ngày hoa sẽ tan trong đất. Quả là thanh nhã!
Hạn chế dùng hóa chất
Trồng rau hay hoa tại nhà thì ngoài mục đích thỏa mãn sự đam mê còn là để thu hoạch sản phẩm sạch. Do đó, nên hạn chế dùng các loại thuốc trừ sâu bọ hay chất kích thích tăng trưởng để đảm bảo chất lượng thực phẩm và môi trường sống quanh mình. Mình cũng giới thiệu một số phương pháp diệt trừ sâu rệp hiệu quả và thân thiện với môi trường:
- Dùng nước rửa chén pha loãng để diệt rệp cây. Nước rửa chén không độc nhưng khi khô lại sẽ bịt các lỗ khí khiến rệp chết. Chỉ cần khoảng 1 muỗng cafe nước rửa chén + 1 muỗng cafe dầu thực vật trộn trong khoảng 1,5l nước và xịt đều vào lá, rệp sẽ chết dần. Hồi nhỏ đọc truyện "Cuộc phiêu lưu của Carich và Valia" thì còn biết phương pháp dùng bọ rùa để diệt rệp cây - có lẽ đây là giải pháp tốt cho môi trường nhất. Ở Mỹ họ còn bán bọ rùa phục vụ việc làm vườn.
- Dùng nước pha tỏi ớt để phòng trừ sâu bệnh và ốc sên. Cứ lấy một ít tỏi hành ớt giã vụn rồi cho vào khoảng 1-1,5l nước xịt cây, sẽ tránh được bọn sâu bọ ốc sên đáng ghét.
Vườn sạch - không chỉ sạch ở nghĩa đen là được quét dọn sạch sẽ, mà còn phải sạch ở khía cạnh thiên nhiên và môi trường vì đó cũng là một không gian sống của gia đình. Ngoài ra, hãy truyền ý thức "sống xanh" này cho các con, giúp các con hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường qua những hành động nho nhỏ từ khi còn bé. Một tâm hồn xanh sẽ giúp các bé biết sống đẹp và suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống.